Ban đầu đọc tên sách mình đã tưởng đây là 1 cuốn thuộc thể loại self-help cơ. Kể mấy câu chuyện về những người nổi tiếng, rồi chúng ta nên làm như nào để giỏi hơn, kiểu vậy. Cơ mà không nhé, cuốn sách cho ta thấy 1 cái nhìn rất mới về những người xuất chúng. Rằng không chỉ dựa vào tài năng và sự nỗ lực, thành công của họ còn dựa vào những lợi thế tiềm ẩn, những cơ may phi thường và di sản văn hóa từ nơi họ sinh ra … Cực kỳ đa chiều và thú vị luôn.
Câu hỏi mà ta vẫn thường đặt ra khi nói về những người thành công là gì ? Chúng ta muốn xem họ ra sao – họ sở hữu tính cách như thế nào, họ thông minh đến cỡ nào, phong cách của họ có gì đặc biệt, hay họ vốn sinh ra với thứ tài năng thiên bẩm nào. Và chúng ta một mực cho rằng chính những phẩm chất cá nhân đó đủ để giải thích cách một người đạt đến đỉnh cao […] Nhưng trên thực tế, họ vẫn luôn là kẻ thụ hưởng những lợi thế ẩn giấu và những cơ may phi thường cũng như những di sản văn hóa cho phép họ học hành, làm việc chặm chỉ và nhìn nhận về thế giới bằng những cách thức mà kẻ khác không thể.
Những lợi thế tiềm ẩn, những cơ may phi thường …
Tất nhiên, để trở thành người xuất chúng trong 1 lĩnh vực thì điều kiện tiên quyết là bạn phải thực sự quyết tâm và dành thời gian làm việc trong lĩnh vực đó. Gladwell đã nhắc đến quy tắc 10000 giờ trong phần đầu của cuốn sách : “10000 giờ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và khả năng trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới – trong bất cứ lĩnh vực nào”. Thế nhưng còn rất nhiều thứ khác đóng góp vào thành công của 1 người xuất chúng ngoài 10000 giờ luyện tập, những thứ như là … lợi thế về tháng, năm sinh, hoặc môi trường hồi nhỏ mà bạn sống.
Nửa đầu cuốn sách nói về những lợi thế tiềm ẩn, những cơ may mà tưởng chừng như không liên quan này. Dẫn chứng của tác giả là những người rất nổi tiếng như : tỷ phú Bill Gates, ban nhạc The Beatles, … Ví dụ như Bill Gates, ông khoảng 20 tuổi vào lúc kỷ nguyên máy tính cá nhân mở ra. Nếu còn là trung học, ông có thể để mất cơ hội vì quá trẻ. Nếu khoảng 30 tuổi, có thể ông đã có 1 công việc tốt và sẽ không thay đổi để đi theo cái mới. Năm sinh hoàn hảo cho cuộc chạy đua trong kỷ nguyên bùng nổ của máy tính cá nhân năm 1975 là 1953 đến 1956. Đó là năm sinh của những “kẻ xuất chúng” như Bill Gates, Steve Jobs, Steve Balmer, Paul Allen, Eric Schmith …
Ngoài ra còn 1 phần rất thú vị nói về những thiên tài IQ > 150. Gladwell đã cho ta thấy 1 nghiên cứu về những đứa trẻ có IQ rất cao, nhưng không phải tất cả chúng đều sẽ thành công sau này. Sự thành công của những đứa trẻ hóa ra lại phụ thuộc rất nhiều vào cách dạy dỗ của cha mẹ và môi trường sống hồi nhỏ của chúng, điều này đúng cả với những thiên tài có IQ cao.
Và năm sinh cùng với môi trường sống chẳng phải là những lợi thế tiềm ẩn mà chúng ta không thể lựa chọn khi sinh ra hay sao ? Nửa đầu cuốn sách nói về rất nhiều những câu chuyện như thế, nhằm đưa ra luận điểm rằng những người xuất chúng là hội tụ của rất nhiều những cơ may, những sự trùng hợp, tạo nên những lợi thế to lớn khiến họ vượt lên trên những người khác.
Thành công đúng hơn là một món quà. Kẻ xuất chúng là những người được ban tặng các cơ hội – và họ có đủ cả nội lực cũng như năng lực trí não để nắm bắt lấy cơ may đấy.
Những di sản văn hóa
Nửa sau của cuốn sách nói về tác động của những di sản văn hóa lên mỗi chúng ta. Có 1 chương rất thú vị về sự liên quan giữa những vụ rơi máy bay của 1 hãng hàng không Hàn Quốc và xuất thân của phi hành đoàn. Phần này thực sự lôi cuốn mình, độc giả sẽ được đọc qua những cuộc nói chuyện cuối cùng của những thành viên phi hành đoàn trước khi máy bay rơi, cùng tác giả phân tích và tìm ra những điểm bất hợp lý trong đó. Cuối cùng là đưa ra kết luận nguyên nhân sâu xa của hàng loạt những vụ rơi máy bay này. Nói chung phần này cũng giống nửa đầu, tác giả sẽ đưa ra các dẫn chứng liên hệ giữa các di sản văn hóa và sự thành công của mỗi người. Cũng có rất nhiều đoạn hay và bất ngờ đấy.
Đây là cuốn sách đầu tiên mình đọc mà có quan điểm mới lạ đến vậy. Tuy nhiên vì nó lạ quá nên mình đọc có cảm giác hơi gượng ép. Ngay như đoạn nói về Bill Gates và thời điểm bùng nổ máy tính cá nhân, tác giả đưa các dẫn chứng để đi đến kết luận những người sinh năm 1954-1955 có lợi thế rất lớn. Nhưng ông lại không đưa ra một bảng thống kê để so sánh với những khoảng thời gian khác. Tương tự phần nói về những người thợ may Do Thái cũng vậy. Ngoài một số đoạn này ra thì đây thực sự là 1 cuốn sách rất đáng đọc, nhất là cảm giác được tìm hiểu những thứ mới lạ. Mọi người hãy mua và trải nghiệm nhé ^^.